Cuộc đời Vĩnh_Tuyền

Hoàng tử Vĩnh Tuyền sinh ngày 5 tháng 7 (âm lịch) năm Càn Long thứ 11, là anh em ruột với Lý Đoan Thân vương Vĩnh Thành, Hoàng cửu tử và Thành Triết Thân vương Vĩnh Tinh. Sinh mẫu là Thục Gia Hoàng quý phi, một phi tần gốc Triều Tiên.

Ông được người Triều Tiên ghi lại, đánh giá là một người ham mê tửu sắc, chân lại có tật, vì vậy ông không thích hợp với ngôi vị Thái tử theo lời của Càn Long Đế.

Năm Càn Long thứ 44 (1779), tháng 3, ông được phong làm Đa La Nghi Quận vương (多羅儀郡王). Phong hiệu ["Nghi"], Mãn văn 「yongsu」, ý là "Lễ nghi", có thể thấy Càn Long Đế hình dung Vĩnh Tuyền như người tuân theo lễ nghĩa, điều này có vẻ mâu thuẫn với ghi chép của người Triều Tiên về ông. Nếu không xét người Triều Tiên có sai sót mà là sự thực, thì cơ hồ phong hiệu này của Càn Long Đế ban cho ông có hàm ý răn đe.

Phủ đệ của ông, căn cứ theo chỉ dụ khai phủ, thì nằm ở phía Tây của phố Trường An, thuộc khu Tây Thành, Bắc Kinh[1].

Năm Gia Khánh thứ 4 (1799), tháng giêng, Gia Khánh Đế tấn thăng làm Hòa Thạc Nghi Thân vương (和碩儀親王). Cùng năm ấy, Gia Khánh Đế lệnh ông cùng em trai là Thành Triết Thân vương Vĩnh Tinh điều tra và bắt giam Hòa Thân.

Năm Đạo Quang thứ 12 (1832), ngày 7 tháng 8 (âm lịch), ông qua đời, thọ 86 tuổi. Ông được Đạo Quang Đế truy thuỵ hiệu là Thận (慎). Khi cử hành lễ tế, Đạo Quang Đế cũng từng đích thân lâm điện. Mộ phần của ông nằm ở khu vực Bán Bích điếm (半壁店), quận Xương Bình.